Vậy có thể phát hiện ung thư phổi sớm và điều trị được bệnh lý này?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nguyên giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, và 18 nhà khoa học châu Á vừa công bố một báo cáo kêu gọi tăng cường tầm soát ung thư phổi ở châu Á đăng trên tạp chí về ung thư lồng ngực số tháng 6-2023.
Ông Nhung chia sẻ với Tuổi Trẻ:
- Theo thống kê, ung thư phổi là loại ung thư điều trị khó nhất cùng với ung thư gan, ung thư dạ dày. Ung thư phổi là một trong các loại ung thư ác tính, có thể là ung thư ác tính nhất trong các loại ung thư và phổ biến ở nam giới. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, ung thư phổi xếp thứ 2 sau ung thư gan ở nam giới.
Trong khi các ung thư khác như ung thư vú, tuyến giáp, cổ tử cung... số mắc cao nhưng số tử vong thấp bởi có thể điều trị, kéo dài thời gian sống của người bệnh. Ung thư phổi lại có số mắc và tử vong cao.
Nếu xét về tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong thì hai số liệu này tương đối ngang nhau. Có nghĩa là về mặt dịch tễ, chúng ta có thể hiểu rằng thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư phổi kể từ khi được phát hiện mắc bệnh chỉ là một năm.
Điều đó là do ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn muộn và tỉ lệ tử vong cao. Mặc dù hiện nay khoa học kỹ thuật có thể giúp ích cho việc điều trị ung thư phổi, tuy nhiên phải điều trị ở giai đoạn sớm mới có hiệu quả.
Phải xác định được ung thư thể tế bào nào, gene có đột biến hay không, mới có thể dự báo được có thể đáp ứng được phương pháp điều trị nào. Vì vậy, mong muốn và mục tiêu hiện nay là làm sao phát hiện sớm bệnh nhân ung thư phổi để điều trị sớm, kéo dài thời gian sống.
* Báo cáo mà ông tham gia có mục tiêu kêu gọi phát hiện bệnh sớm. Vậy làm sao để phát hiện được sớm ung thư phổi, thưa ông?
- Các nghiên cứu đều cho thấy tỉ lệ sống thêm của bệnh nhân khác biệt rất cao. Ví dụ phát hiện giai đoạn 1A, 1B thì tỉ lệ sống trên 5 năm khoảng 70%. Trong khi đó, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 3, 4 thì chỉ có 10%, cao nhất là 25% người bệnh sống thêm trên 5 năm.
Trong một cuộc họp của 19 chuyên gia thuộc 11 nước châu Á, các chuyên gia đánh giá tại châu Á số người nữ không hút thuốc tỉ lệ cao hơn so với châu Âu và châu Mỹ.
Nghiên cứu gene, tỉ lệ đột biến ở châu Á cao hơn so với châu Âu, châu Mỹ. Việc khuyến cáo tầm soát ung thư phổi bằng CT liều thấp đã được thực hiện khá lâu ở châu Âu và châu Mỹ. Tại Việt Nam, năm 2018 cũng đã có khuyến cáo sử dụng phương pháp này tầm soát bệnh.
Tuy nhiên, do nhiều rào cản từ chính sách và người dân như: bảo hiểm y tế hiện nay chưa chi trả cho việc tầm soát, phát hiện bệnh sớm; bệnh nhân khi được chỉ định làm sàng lọc cũng không thấy lợi ích nhiều. Đây là vấn đề không phải chỉ ở Việt Nam mà xảy ra ở hầu hết các nước châu Á.
Các nước châu Âu và châu Mỹ đưa ra khuyến cáo chủ yếu đến đối tượng người hút thuốc. Những người hút thuốc trên 20 bao năm (tức 1 bao/ngày trong 20 năm liên tiếp) và 40 tuổi trở lên nên sàng lọc.
Tại châu Á các chuyên gia đã thống nhất khuyến cáo từ 50 - 75 tuổi, hút thuốc lá trên 20 năm nên tầm soát. Ngoài ra, những người chưa từng hút thuốc nhưng có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi (cha mẹ, con cái) thì nên làm sàng lọc bằng CT liều thấp.
Theo một nghiên cứu tại Singapore, khi sàng lọc những người chưa từng hút thuốc trên 50 tuổi có tới 2,5% có tỉ lệ bất thường gây ung thư.
Đây được coi là những khuyến cáo dựa trên những bằng chứng của châu Mỹ, châu Âu và nghiên cứu quan sát của các nước châu Á. Cần đẩy nhanh tiến độ sàng lọc ung thư phổi sớm bằng CT liều thấp, phương pháp này có thể áp dụng tại các bệnh viện.
* Khi triển khai một phương pháp phát hiện sớm, thông thường phương pháp đó phải có hiệu quả và chi phí thấp. Vậy việc sử dụng CT liều thấp theo dõi tầm soát ung thư phổi cụ thể thế nào, thưa ông?
- Để thực hiện tầm soát và theo dõi nguy cơ mắc ung thư phổi, cơ sở y tế cần có hệ thống lưu trữ dữ liệu và so sánh qua các năm, từ đó sẽ thấy ngay bất thường. Nếu chỉ chụp một lần, sau đó năm sau chụp mới, không có sự kết nối dữ liệu và theo dõi thường xuyên thì không đem lại hiệu quả.
Ví dụ khi phát hiện những dấu ấn rất nhỏ, từ 4mm đến 8mm đã phải chú ý theo dõi. Nếu trên 8mm đã cần theo dõi 6 tháng/lần, nếu loại trừ được bệnh mới trở thành theo dõi thường quy.
Ở Việt Nam hiện đang có những chương trình phát hiện bệnh lao chủ động bằng X-quang. Việc chụp X-quang này cũng có thể có ích trong việc phát hiện ung thư phổi nhưng không phải là biện pháp được khuyến cáo để sàng lọc ung thư phổi giai đoạn sớm. Nếu đã phát hiện ung thư phổi trên X-quang thì thường đã ở giai đoạn muộn.
CT liều thấp thực chất là chụp CT và giá thành tương đương với chụp CT thông thường. "Liều thấp" ở đây là những chương trình đặt ra ở liều thấp, chiếu xạ thấp.
Hiện nay, chụp CT phổi liều thấp là lựa chọn hàng đầu của các chuyên gia khi muốn phát hiện sớm ung thư phổi. Quy trình này sử dụng máy tính với tia X liều thấp để tạo ra một loạt hình ảnh, từ đó có thể phát hiện các bất thường ở phổi, bao gồm cả các khối u.
Một nghiên cứu lâm sàng tại Mỹ với hơn 50.000 người tham gia cho thấy tỉ lệ tử vong do ung thư phổi giảm 20% ở nhóm được sàng lọc với CT phổi liều thấp so với nhóm cũng được sàng lọc nhưng sử dụng phương pháp chụp X-quang ngực truyền thống.
Hiện nay CT là kỹ thuật khá thông thường và đã được bảo hiểm y tế chi trả với trường hợp điều trị bệnh. Tuy nhiên, để sàng lọc bệnh thì chưa có chính sách chi trả bảo hiểm y tế. Cơ sở để thực hiện cần có nền tảng cơ sở dữ liệu tốt, có chương trình riêng cho CT liều thấp để so sánh hàng loạt các kết quả sau các năm. Từ đó, dễ dàng phát hiện các bất thường trong quá trình sàng lọc.
* Sau khi phát hiện bệnh sớm, hiện nay có tiến bộ nào có thể điều trị ung thư phổi hiệu quả?
- Việc phát hiện sớm bệnh sẽ giúp bác sĩ có thể chỉ định phương pháp tối ưu nhất. Phương pháp tối ưu nhất hiện nay là cắt bỏ khối u, sau đó có thể điều trị bổ sung như trị xạ, điều trị tia xạ, hóa chất, miễn dịch... thì tỉ lệ khỏi rất cao.
Tuy nhiên, dù có phát hiện ở giai đoạn muộn thì hiện nay vẫn có rất nhiều cơ hội để điều trị, kéo dài sự sống.
Các phác đồ điều trị đặt ra tối ưu trên từng cá thể bệnh nhân. Và hiện nay trí tuệ nhân tạo đang giúp ích cho y học rất lớn, đã có những đề tài cấp nhà nước có thể giúp thầy thuốc tạo ra những chương trình tối ưu cho từng trường hợp dựa trên thông tin bệnh lý đầu vào chi tiết.
Triển vọng khác là xạ trị phân tử, sử dụng protein gắn những đơn vị phóng xạ mới với độ an toàn cao. Những protein gắn với phóng xạ đi đến từng tế bào và người ta gọi đây là những "viên đạn sạch", xử lý tế bào ung thư nhưng tế bào lành không bị ảnh hưởng.
Đây là phương pháp rất triển vọng trong tương lai. Tôi xin nhấn mạnh phát hiện sớm là một điều hết sức quan trọng. Vì vậy, cần có những thay đổi về chính sách và nhận thức của người dân, phòng bệnh bằng cách không hút thuốc lá là khuyến cáo hàng đầu.
* Tỉ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam những năm qua có giảm nhưng chậm, trong khi đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Ông cho là người đã hút thuốc nhưng nếu chỉ giảm hút mà không bỏ thuốc có thể phòng ngừa bệnh không?
- Trong thực tiễn, chúng ta không thể biết được cơ thể sẽ phản ứng với các chất trong thuốc lá như thế nào. Có những gene nhạy cảm và không nhạy cảm. Giống như bệnh lao, có những người tiếp xúc sẽ nhiễm bệnh, nhưng cũng có người không.
Người tiếp xúc thuốc lá có mắc ung thư phổi hay không còn phụ thuộc vào loại gene. Vì vậy có những người mặc dù hút rất ít nhưng vẫn mắc ung thư phổi, có người hút nhiều lại không bị bệnh.
Tuy nhiên, những so sánh thống kê trên thế giới thì ung thư phổi có mối liên quan chặt chẽ với những người hút thuốc. Tốt nhất không nên hút thuốc và bỏ thuốc nếu đã hút thuốc.
0 comments:
Post a Comment