Tiến sĩ Pradeep Raut của bệnh viện Kinder Clinic tại Singapore đã chia sẻ ý kiến của mình về 8 sai lầm phổ biến nhất các phụ huynh thường mắc phải khi sử dụng thuốc.
1. Dùng thuốc quá liều cho bệnh cảm cúm thông thường
Bạn ghét phải nghe thấy tiếng ho của con hàng đêm khi chúng bị cảm, vì thế bạn tới thẳng hiệu thuốc gần nhất và mua ngay một lọ thuốc trị cảm và ho.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Raut cho rằng những loại thuốc trên tuy có thể phần nào giúp chữa cho đứa trẻ đỡ sổ mũi nhưng lại có tác dụng rất ít cho cả quá trình trẻ mắc bệnh.
Tương tự, theo một số chuyên gia ngành dược, nhiều loại thuốc bạn có thể tự mua tại nhà thuốc có chứa các thành phần giống nhau dù chúng được dùng để chữa các triệu chứng khác nhau. Ví dụ, nhiều thuốc chữa cảm cho các triệu chứng khác nhau đều chứa paracetamol.
Vậy nếu bạn cho con dùng loại thuốc trên để chữa ngạt mũi, rồi lại dùng Panadol để chữa sốt, thì thực chất con bạn đang bị dùng gấp đôi liều thuốc, và điều này là không hề tốt cho sức khỏe của đứa trẻ.
Bạn nên làm gì?
- Hãy thử dùng các loại thuốc tự nhiên để làm giảm các triệu chứng của bệnh cảm cúm thông thường.
- Đừng bao giờ cho con bạn dùng hai liều thuốc cùng một lúc nếu không có chỉ định của bác sĩ.
2. Ngưng sử dụng kháng sinh khi chưa hết liều
Nhiều người trong số chúng ta đã mắc lỗi này: khi thấy con có vẻ đỡ hơn, chúng ta liền ngưng không cho con uống nốt chỗ kháng sinh còn lại bởi cứ nghĩ rằng không cần thiết phải cho con uống kháng sinh nữa.
Kháng sinh được dùng để tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh. Nhưng nếu bạn không dùng kháng sinh đủ liều, các con vi khuẩn gây bệnh ấy sẽ không bị tiêu diệt hoàn toàn, mà còn gây tái nhiễm.
giải thích của tiến sĩ Raut, vi khuẩn gây bệnh luôn phát triển thêm và thời gian sử dụng kháng sinh phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của chúng. Vì vậy, để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn, cần phải dùng thuốc kháng sinh có liều dùng lâu hơn so với tốc độ tăng trưởng của vi khuẩn.
Lời khuyên dành cho bạn:
Hãy cho con uống đầy đủ và hết đợt kháng sinh, kể cả khi bạn thấy là con đã khỏe hơn rất nhiều rồi.
3. Mục đích dùng thuốc không phải là để chữa bệnh
Trước khi lên máy bay, có bao giờ bạn cho con uống chút siro ho cốt để làm cho con buồn ngủ? Nếu quả thực bạn đã làm vậy, thì bạn nên xem lại vì bạn đã không lường trước được tác hại mà thuốc gây ra. Các nhà nghiên cứu của Đại học dược Georgetown cho rằng các loại thuốc gây buồn ngủ mà trẻ thường uống trước khi lên máy bay thực chất lại làm cho một số trẻ trở nên hiếu động hơn.
Mách nhỏ:
Thay vì cho con uống thuốc, bạn hãy mang theo thật nhiều đồ chơi, sách truyện, đồ ăn và chuẩn bị sẵn tâm lý để thật sự kiên nhẫn khi cùng đi du lịch bằng máy bay với bọn trẻ.
4. Tính liều lượng thuốc dựa vào độ tuổi, thay vì dựa vào cân nặng của trẻ
Tiến sĩ Raut cho biết nếu như bạn dùng thuốc chỉ dựa vào độ tuổi của trẻ thì có thể đứa trẻ sẽ bị dùng thuốc không đủ liều hoặc quá liều. Hai khả năng trên sẽ có thể gây ra nhiều phiền phức nên tốt nhất là chúng ta nên tránh mắc phải lỗi này.
Việc mỗi đứa trẻ chuyển hóa thuốc khác nhau như thế nào phụ thuộc vào cân nặng của chúng, chứ không phải là độ tuổi. Các chuyên gia ngành dược giải thích khi những đứa trẻ có cân nặng khác nhau cùng dùng một liều thuốc giống nhau thì sự khác nhau trong khả năng hấp thụ thuốc của từng đứa trẻ là vô cùng quan trọng.
Các nghiên cứu chỉ ra trẻ bị thừa cân sẽ hấp thu caffeine và dextromethorphan (thuốc tác dụng trên đường hô hấp, giúp giảm ho) nhanh hơn so với những trẻ cùng tuổi nhưng có cân nặng bình thường. Vậy nghĩa là những bé nặng cân hơn cần dùng lượng thuốc lớn hơn so với hướng dẫn sử dụng mà hãng thuốc đưa ra.
Bạn nên làm gì?
Nếu như con bạn bị thừa cân hay thiếu cân so với độ tuổi mà hãng thuốc chỉ định liều dùng thì trước tiên nên hỏi ý kiến của bác sĩ. Khi kê đơn thuốc, các bác sĩ cũng thường tính liều lượng thuốc dựa vào cân nặng của bé.
5. Không đo lượng thuốc chính xác
Chúng thường dùng thìa để đo lượng pha chế đồ uống, nhưng nếu dùng thìa để đo lượng thuốc thì chưa hoàn toàn là phù hợp. Thực tế, nhiều loại thìa trong nhà bếp không có kích cỡ giống nhau, vì vậy dùng thìa để đo lượng thuốc có thề dẫn đến việc dùng thuốc quá liều.
Việc dùng cốc để đo lượng thuốc cũng như vậy. Một nghiên cứu của Đại học dược New York chỉ ra rằng đến 70% số phụ huynh dùng cốc đo lượng thuốc thường đổ thuốc đầy hơn mức quy định. Các nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ bởi vì vài phụ huynh luôn nghĩ đổ đầy cốc mới đúng liều hoặc họ không nhìn vào phần đánh dấu liều lượng khi đổ thuốc vào cốc. Để đo lượng thuốc được chính xác, bạn nên:
Không dùng thìa để đo lượng thuốc nữa mà hãy dùng xi lanh để thay thế. Một nghiên cứu nhi khoa cho thấy, đong thuốc theo đơn vị đo ml giúp làm giảm hẳn một nửa nguy cơ mắc lỗi khi sử dụng thuốc.
6. Dùng quá liều trong cùng một loại thuốc
Khi con bị sốt, các phụ huynh thường cho con uống Panadol. Sau một giờ đồng hồ, thấy con vẫn sốt cao, họ lại cho con uống thêm Panadol. Như vậy, họ đã cho con uống thuốc quá liều và có thể sẽ vô cùng có hại cho sức khỏe của đứa trẻ.
Thay vào đó, ta nên làm gì?
Bạn không nên cho con uống paracetamol 4 lần trong vòng 24 giờ, vì vậy bạn phải đợi cho đủ 6 tiếng thì mới cho con uống thuốc một lần. Để không bị quên giờ, bạn nên ghi lại thời gian mỗi khi bạn cho con uống thuốc.
7. Sốt nhẹ cũng cho con uống thuốc
Thực ra sốt là dấu hiệu cho thấy cơ thể của đứa trẻ đang làm việc hết sức để chiến đấu chống lại căn bệnh. Nếu như con bạn chỉ bị sốt nhẹ, bạn không nên cho con dùng thuốc ngay, hãy để cho cơ thể của con có cơ hội chống trọi lại được con vi trùng gây bệnh trong người. Điều đó cũng giúp con tăng cường hệ miễn dịch.
Tiến sĩ Raut cũng cho rằng nhiều trẻ có khả năng chịu đựng được nhiệt độ cơ thể lên đến 39 độ, trong khi một số khác lại mới có 38 độ đã tỏ ra mệt mỏi. Dùng thuốc chỉ có tác dụng giảm sốt, còn nguyên nhân gây bệnh thì không chắc là thuốc đã chữa được. Thay vì dùng thuốc, bạn nên:
- Nếu như con bạn không sốt cao, hãy tìm các cách khác để hạ sốt. Ví dụ, bạn có thể chườm khăn ẩm lên trán, lau nách cho con, sẽ mang lại hiệu quả đáng kể.
- Bạn nên nhớ, trẻ sơ sinh bị sốt cũng cần phải đặc biệt để ý. Dù em bé có bị sốt nhẹ, bạn cũng không nên chần chừ đưa con đến chỗ bác sĩ ngay.
8. Dùng lẫn lộn cả thuốc Đông y với thuốc Tây y
Các loại thuốc cổ truyền và thuốc Tây y có tác dụng hoàn toàn khác nhau. Để kết luận hai loại thuốc trên có tác dụng hỗ trợ hay gây hại cho nhau hay không là rất khó.
Gợi ý dành cho bạn:
Nếu như con bạn đang dùng thuốc Đông y, mà bác sĩ lại chỉ định cho dùng thuốc Tây, bạn nên nói cho bác sĩ biết về loại thuốc mà bạn đã cho con dùng. Và ngược lại, nếu con bạn đã uống thuốc Tây rồi mà bạn lại đưa con khám Đông y, cũng hãy nói với thầy thuốc về loại thuốc bạn đã cho con uống.
(Ảnh minh họa: Internet)