WHAT'S NEW?
Loading...

Con cái tuổi dậy thì thường cãi lại cha mẹ có phải là xấu?

[ad_1]

GD&TĐ - Khi bước vào tuổi dậy thì, không ít trẻ bỗng “quay ngoắt” thái độ và trở nên nổi loạn trong mắt cha mẹ. Thực tế, tình trạng này là điều bình thường.

Phụ huynh cũng cần nhớ rằng, trẻ hoàn toàn có thể học cách tốt hơn để giao tiếp mà không cần tranh cãi. Tuy nhiên, chúng cần thời gian và sự chỉ dạy hợp lý, thay vì những mệnh lệnh lạnh lùng.

Sự thể hiện cá tính

Làm cha mẹ ai cũng muốn con mình ngoan ngoãn, hiếu thảo. Tuy nhiên, tâm lý của trẻ không phải lúc nào cũng ổn định. Đến một giai đoạn nào đó, nhất là độ tuổi dậy thì, cá tính của con thể hiện rất mạnh. Con dễ trở thành “phản nghịch” trong mắt bố mẹ khi đưa ra những suy nghĩ, quan điểm riêng để chứng minh bản thân mình.

Lúc này, cha mẹ sẽ cảm thấy buồn, thất vọng, cho rằng con không ngoan. Thậm chí nhiều người còn mắng nhiếc con những điều thậm tệ.

Tuy nhiên, các nhà tâm lý học giáo dục cho rằng, những lúc này cha mẹ cần bình tĩnh đối mặt với sự nổi loạn của trẻ. Việc trẻ cãi lại cha mẹ chưa hẳn là xấu. Bởi, không ít phụ huynh vội vàng phủ nhận suy nghĩ của con, không cho trẻ quyền được nói, nêu suy nghĩ. Song, điều đó vô tình sẽ khiến đứa trẻ lớn lên trở thành người nhút nhát, không dám thể hiện mình.

Tình huống xấu hơn, con có thể ngày càng xa cách cha mẹ. Trẻ sẽ cho rằng, người lớn luôn giáo điều, áp đặt và coi thường chúng.

Hiện tượng con cãi cha mẹ thực chất là biểu hiện cho thấy trẻ đang dần trở thành một cá thể độc lập. Góc nhìn của chúng so với cha mẹ là hoàn toàn khác.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Virginia (Mỹ) đã tiến hành một cuộc khảo sát với 150 trẻ ở độ tuổi 13. Họ yêu cầu những đứa trẻ này mô tả lại cuộc xung đột với cha mẹ. Dựa trên dữ liệu thu được, các nhà nghiên cứu nhận thấy, những đứa trẻ hay cãi lại cha mẹ có thể xử lý mâu thuẫn bên ngoài tốt hơn đứa trẻ chỉ biết im lặng hoặc không nói gì.

Các nhà giáo dục học tại Virginia còn phát hiện, những đứa trẻ hay cãi lại cha mẹ thường ít có hành vi xấu ở độ tuổi vị thành niên so với những đứa trẻ ngoan ngoãn. Ví dụ như uống rượu, hút thuốc... Nguyên nhân là do khi nói ra được ý kiến của mình, chúng có xu hướng nhận biết đúng sai. Đồng thời, trẻ giải tỏa được ức chế so với việc chỉ giữ suy nghĩ ở trong lòng. Ngoài ra, những đứa trẻ phản kháng mạnh còn có thể sớm tự lập, không dựa dẫm vào người khác.

Không ít phụ huynh bày tỏ lo ngại khi con mình trước đó rất ngoan ngoãn và nghe lời, nhưng đến giai đoạn tuổi dậy thì đột nhiên hay cáu gắt, chán học, điểm số sa sút.

Thậm chí, trẻ hay cãi lại, tỏ ra chống đối gay gắt với cha mẹ khi bị nhắc nhở, la mắng. Một số khác lại có thể trở nên lầm lì, không chịu nói năng, hay bồn chồn, sống khép kín và xa cách hơn khiến phụ huynh lo lắng.

Thực tế, những hành vi như trên là các triệu chứng điển hình của tuổi dậy thì. Theo các nhà tâm lý học, đó không phải lỗi của trẻ, cũng không phải do cha mẹ hay xã hội. Thực tế, nguyên nhân sâu xa là do nội tiết tố trong cơ thể trẻ đang “làm loạn” tác động lên cảm xúc và tính cách.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự thay đổi tâm trạng và kiểu hành vi của trẻ vị thành niên bị ảnh hưởng bởi mức độ nội tiết tố (hormone).

Cụ thể, trẻ vị thành niên đang trong thời kỳ phát triển nhanh chóng, cơ thể tiết ra một lượng lớn nội tiết tố nam và nữ. Trong đó, nội tiết tố nam hay còn gọi là hormone tăng trưởng có tác dụng chủ yếu thúc đẩy quá trình phát triển thể chất của trẻ như chiều cao, cân nặng, xương, cơ. Estrogen, còn được gọi là hormone sinh dục, chủ yếu thúc đẩy sự phát triển giới tính của trẻ em theo đúng nghĩa. Trẻ em gái bắt đầu trở thành phụ nữ và trẻ em trai bắt đầu trở thành đàn ông.

Con cái tuổi dậy thì thường cãi lại cha mẹ có phải là xấu? ảnh 1

Cha mẹ cần bình tĩnh đối mặt với sự nổi loạn của trẻ. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia tại Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), bước vào giai đoạn từ 11 - 16 tuổi, cơ thể trẻ lớn lên rất nhanh, có sự thay đổi trong hoạt động của hệ nội tiết và đáng chú ý nhất đó là sự phát dục. Vì vậy, đây còn gọi là độ tuổi dậy thì. Các đặc điểm sinh dục phát triển, tuyến sinh dục bắt đầu hoạt động. Tuổi dậy thì con trai bắt đầu và kết thúc chậm hơn con gái từ 1 - 2 năm.

Trong đó, nhu cầu khẳng định bản thân, ý thức bản thân được coi là một bước biến chuyển. Bước biến chuyển này giúp thiếu niên nhận thức, đánh giá được bản thân. Dựa vào những tiêu chuẩn đánh giá của mọi người, thiếu niên sẽ xem xét hành vi và hoạt động của mình có phù hợp với yêu cầu của gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, giai đoạn này, thiếu niên cũng rất nhạy cảm với những đánh giá của mọi người xung quanh. Do đó, đôi khi chỉ là những thành công nhỏ được người khác quá chú ý cũng dễ tạo cho trẻ sự tự cao. Trái lại, những thất bại nhỏ nếu bị dè bỉu cũng có thể gây cho các em rụt rè, tự ti. Sự ổn định hình thành nhân cách trước đây sẽ bị phá vỡ, tạo nên sự thay đổi cấu trúc nhân cách, từ trẻ em sang người lớn trưởng thành.

Quan hệ xã hội của các em từ mối quan hệ cha mẹ chuyển sang mối quan hệ bạn bè. Trong gia đình, cha mẹ nên tạo điều kiện cho các em nhiều quyền độc lập hơn và những yêu cầu cao hơn.

Thiếu niên thường không muốn sự chăm sóc quá tỉ mỉ, quan tâm quá mức của cha mẹ. Trong gia đình, các em mong muốn cha mẹ tôn trọng ý kiến hơn là chiều chuộng.

Thường, trẻ ở tuổi này chưa nhận thức được mặt tốt và xấu ở xã hội. Trong khi đó, đây là lứa tuổi hay tìm kiếm và chống đối. Vì vậy, trẻ cần nhận được sự quan tâm hỗ trợ, dìu dắt hướng dẫn của người lớn. Các em từng bước tự chủ trong học tập và công việc. Do đó, trẻ cần có chỗ dựa tình cảm của người thân để tâm sự và chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm…

Sau một thời gian, các em đánh giá, xác định cho bản thân nhân cách mới, nhân cách trưởng thành. Cuối giai đoạn này, nhân cách trẻ sẽ dần được hình hành ổn định.

Con cái tuổi dậy thì thường cãi lại cha mẹ có phải là xấu? ảnh 2
Vai trò của phụ huynh là lắng nghe, chỉ dẫn và góp ý. Ảnh minh họa.

Phụ huynh cũng cần thay đổi

Trong khi đó, theo Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, nhà đồng sáng lập Học viện Minh Trí Thành, với trẻ dậy thì, các cuộc trao đổi trong gia đình có xu hướng biến thành tranh luận gay gắt. Do đó, cha mẹ cần quan sát, ghi nhận các tình huống khẩu chiến diễn ra quanh mình và con, hoặc tình huống thực tế trong gia đình. Đồng thời, cần chú ý đến thời điểm điều đó xảy ra, nó xảy ra như thế nào. Điều gì đã bắt đầu châm ngòi và sự việc “leo thang” ra sao, cha mẹ đã sai điều gì?

Tất cả thông tin này sẽ hữu ích để phụ huynh bắt đầu thay đổi hành vi ứng xử của bản thân, nhằm tránh để sự việc tái diễn. Ví dụ, nếu chứng kiến một người mẹ nói những lời áp đặt, khiến đứa con tức giận cãi lại, thì tốt nhất cha mẹ phải lưu ý. Sau đó, không nên nói những lời áp đặt như vậy với con mình.

Bên cạnh đó, cha mẹ không thể yêu cầu con im lặng.

“Trẻ em luôn học cách để đạt được thứ chúng muốn. Dưới một tuổi, chúng quấy khóc khi đói. Đôi ba tuổi, chúng quấn lấy chân cha mẹ để thu hút sự chú ý. Vậy thì vì cớ gì phụ huynh nghĩ chúng sẽ im lặng tuân thủ mọi điều mà cha mẹ nói? Cách chúng phản ứng cho thấy nhu cầu được lắng nghe và đáp ứng”, chuyên gia cho biết.

Phụ huynh cũng cần nhớ rằng, trẻ hoàn toàn có thể học cách tốt hơn để giao tiếp mà không cần tranh cãi. Tuy nhiên, chúng cần thời gian và sự chỉ dạy hợp lý, thay vì những mệnh lệnh lạnh lùng. Vai trò của phụ huynh là lắng nghe, chỉ dẫn và góp ý, chứ không phải ra mệnh lệnh và bắt con im lặng nghe theo.

Tất cả phụ huynh đều muốn trở thành cha mẹ tốt. Do đó, nên suy nghĩ về mong muốn của bản thân trong việc tạo dựng quan hệ với con. Ví dụ, phụ huynh muốn mình và con sẽ là những người bạn hiểu nhau. Sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ, hay chỉ là quan hệ phục tùng? Bên cạnh đó, điều quan trọng là phụ huynh không nên để những bất đồng tích tụ và bùng phát.

Theo nữ chuyên gia này, tranh cãi liên miên có thể khiến cha mẹ cảm thấy thất vọng, bất lực. Tuy nhiên, ngay cả khi tranh cãi đã ăn sâu vào mối quan hệ với con, cha mẹ vẫn có hy vọng tháo gỡ tình hình.

Thực tế, mọi chuyện có thể thay đổi theo hướng tích cực khi cha mẹ và trẻ bướng bỉnh nhất cùng nỗ lực để tạo ra một mối quan hệ yêu thương, quan tâm và tôn trọng. Điều quan trọng là cha mẹ không nên nản lòng. Các phụ huynh hãy nghĩ rằng, mình không đơn độc. Bởi, có rất nhiều cha mẹ đau đầu vì điều này và đang tìm cách thay đổi theo hướng tốt hơn.

Không quan trọng cha mẹ có chức vụ lớn thế nào, thông minh, giỏi giang ra sao. Tất cả đều có thể mắc sai lầm trong ứng xử với con và để nảy sinh những bất đồng. Do đó, điều quan trọng là đối diện với những bất đồng, xử lý và không để chúng tồn tại âm ỉ rồi bùng phát. Do đó, cha mẹ cần trò chuyện với trẻ, cùng nhau thiết lập các quy tắc và tuân thủ.


[ad_2] Nguồn: Giáo dục thời đại https://tinytedanang.com/con-cai-tuoi-day-thi-thuong-cai-lai-cha-me-co-phai-la-xau/?feed_id=31481&_unique_id=66137569cf2b8

0 comments:

Post a Comment