Ngày 27-5, Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương (TP.HCM) tổ chức Hội nghị khoa học Điều dưỡng chuyên ngành Răng hàm mặt. Hội nghị có sự hiện diện các chuyên gia của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế).
Tại hội nghị, ThS.BS CKII Lê Trung Chánh - giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương - nhấn mạnh nhu cầu điều trị nha khoa cũng như ứng dụng kỹ thuật, vật liệu và sản phẩm mới cho người bệnh ngày càng gia tăng.
Bên cạnh bác sĩ, điều dưỡng là người giữ vai trò không kém phần quan trọng, là cánh tay đắc lực hỗ trợ giúp cho quá trình khám và điều trị bệnh nhân được thuận lợi...
Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực điều dưỡng, đặc biệt trong chuyên ngành răng hàm mặt vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, thiếu nguồn nhân lực. Vì vậy nhu cầu cần được đào tạo bài bản, huấn luyện thường xuyên theo các chuẩn mực là vô cùng quan trọng để đảm bảo chất lượng công việc.
ThS Hà Thị Kim Phượng - trưởng phòng điều dưỡng - dinh dưỡng - kiểm soát nhiễm khuẩn Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho hay Bộ Y tế đang hoàn thành dự thảo đề án đổi mới công tác điều dưỡng để trình Chính phủ. Trong đề án có các nội dung quan trọng là nhân lực điều dưỡng, điều dưỡng hành nghề theo đúng phạm vi chuyên môn...
"Nhân lực điều dưỡng ở hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay chỉ đáp ứng một nửa so với nhân lực dự kiến để có thể chăm sóc người bệnh toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 20 của Chính phủ", bà Phượng nêu.
Theo bà Phượng, cơ chế của bệnh viện chưa phù hợp, giá dịch vụ điều dưỡng chưa được tính đúng và đủ, do đó không đủ kinh phí để trả lương cho điều dưỡng, tuyển dụng mới. Nếu lực lượng điều dưỡng áp lực, chất lượng chuyên môn sẽ bị ảnh hưởng.
"Bệnh viện không thể nào có nhiều tiền để tuyển dụng điều dưỡng so với giá dịch vụ điều dưỡng như hiện nay. Chúng tôi hy vọng trong tương lai, Chính phủ quan tâm để phê duyệt đề án của Bộ Y tế về tăng cường chăm sóc toàn diện trong cơ sở khám chữa bệnh để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tới", bà Phượng chia sẻ.
Chuyển từ thụ động sang chủ động
ThS Hà Thị Kim Phượng cho biết thêm, một trong các nội dung trọng tâm, đổi mới quan trọng của thông tư 31 năm 2021 của Bộ Y tế là điều dưỡng cung cấp dịch vụ chăm sóc phải đáp ứng 14 nhu cầu cơ bản của người bệnh, thay vì 12 nhu cầu của thông tư 07 trước đây.
Vị trí người điều dưỡng của điều dưỡng trong hành nghề đã chuyển từ thụ động sang chủ động. Nếu như trước đây điều dưỡng phải thực hiện y lệnh bác sĩ thì hiện nay đã được chủ động tiếp nhận và nhận định người bệnh, xác định và thực hiện các can thiệp cũng như đánh giá kết qua thực hiện các can thiệp...
"Người điều dưỡng song hành cùng bác sĩ với dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn, dược sĩ... trong hành nghề, và không phải chỉ có phụ thuộc, thực hiện y lệnh", bà Kim Phượng nói.
0 comments:
Post a Comment