WHAT'S NEW?
Loading...

Miền Tây cảnh báo bệnh tay chân miệng gia tăng, nhiều trẻ nặng

[ad_1]
Miền Tây cảnh báo bệnh tay chân miệng gia tăng, nhiều trẻ nặng - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám kiểm tra bệnh nhi nghi mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ - Ảnh: T. LŨY

Thời điểm từ tháng 4 đến nay, số ca bệnh tay chân miệng ở trẻ em tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ có xu hướng tăng mạnh, nhiều ca nhập viện ở mức độ nặng, phải hội chẩn với tuyến trên hoặc chuyển viện. Theo đó một số tỉnh đã ghi nhận sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh tay chân miệng nặng.

Thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay ghi nhận trên 2.260 ca mắc tay chân miệng, đặc biệt trong tháng 5 bắt đầu tăng cao, lên 409 ca (tăng 140%) so với tháng trước đó. Ghi nhận trong đó, đã có 1 trẻ bị tay chân miệng nặng độ 4 tử vong, trong tháng 6 có 3 trường hợp tay chân miệng độ 3 phải chuyển viện lên tuyến trên.

Tại các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Trà Vinh… số ca bệnh tay chân miệng ở trẻ em cũng đang gia tăng đáng báo động. Tỉnh An Giang ghi nhận 386 ca mắc, tăng 14% so với cùng kỳ, dự báo trong thời gian tới số ca mắc có khả năng tiếp tục tăng, đặc biệt vào thời gian học sinh trở lại trường cho năm học mới.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay ghi nhận 743 ca tay chân miệng, trong đó trên 60% là trẻ em dưới 3 tuổi. Phân loại các ca bệnh nặng, có 244 mức độ 2, ca nặng 2b có 4 ca và 5 ca độ 3, 4.

Bác sĩ Trương Cẩm Trinh - trưởng khoa khám, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết biểu hiện dễ nhận biết của bệnh là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong ổ miệng, và đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối.

Trong đó biểu hiện rất thường gặp nhất ở trẻ nhỏ khi mắc tay chân miệng là tình trạng loét miệng, vết loét khiến trẻ có cảm giác đau rát khi ăn, uống… nên trẻ nhỏ mắc bệnh thường không chịu ăn, không chịu bú, thường chảy nước miếng liên tục.

Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ (từ 37,5oC - 38oC). Tuy nhiên có một số trẻ bị sốt cao trên 39oC liên tục, đây là dấu hiệu bệnh nặng cần nhập viện để điều trị. Cha mẹ nên lưu ý dấu hiệu nhập viện là sốt cao liên tục, giật mình chới với, hốt hoảng khi ngủ, run tay chân, đi đứng loạng choạng, quấy khóc…

Lưu ý, trẻ em và cả người lớn đều có thể bị mắc bệnh nhiều lần. Do lượng kháng thể tạo ra mỗi lần mắc bệnh giảm dần theo thời gian, ngoài ra vi rút gây tay chân miệng còn có hơn 10 chủng khác nhau thuộc nhóm vi rút đường ruột, nên bệnh nhân có thể bị mắc bệnh nhiều đợt, bác sĩ Trinh nói.

Bác sĩ Trinh khuyến cáo phụ huynh chú ý phòng bệnh lây lan bằng các biện pháp cách ly tại nhà giữa người lành và người bệnh. Quần áo, tã lót, vật dụng… của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như dung dịch Cloramin B 2%, hoặc luộc nước sôi. Sử dụng vật dụng, đồ dùng ăn uống riêng biệt cho trẻ.

Các trường hợp điều trị tại nhà, phụ huynh chú ý dùng thuốc hạ sốt mỗi 4 - 6 giờ theo chỉ định bác sĩ, lau mình bằng nước ấm; tuyệt đối không sử dụng Aspirine để hạ sốt, giảm đau cho trẻ em.

Đối với trẻ nhỏ có thể sử dụng Antacide chấm vào các vết loét ở miệng, giúp trẻ bớt đau để ăn uống dễ dàng hơn, tuy nhiên đề phòng nguy cơ hít sặc thuốc có thể xảy ra khi sử dụng. Để giảm ngứa cho trẻ, có thể dùng các loại thuốc kháng histamine thông thường như Chlorpheniramine, Polaramin, Theralene... theo chỉ định của bác sĩ.

Nên bổ sung thực đơn ăn uống đa dạng cho trẻ, tăng cường vitamin từ các loại nước ép trái cây.

[ad_2] Nguồn: Tuổi trẻ https://tinytedanang.com/mien-tay-canh-bao-benh-tay-chan-mieng-gia-tang-nhieu-tre-nang/?feed_id=3970&_unique_id=64944ff37e46b

0 comments:

Post a Comment