Không có thuốc giải độc, các ca ngộ độc botulinum mới hiện nay đang được điều trị tại TP.HCM chỉ là điều trị hỗ trợ theo triệu chứng, nếu để bệnh nhân thở máy kéo dài có thể bị rất nhiều biến chứng.
Ca ngộ độc tăng nhưng không có thuốc giải
Cả ba trường hợp nhiễm độc tố botulinum mới đều ở TP Thủ Đức (TP.HCM), sức khỏe hiện rất nguy kịch. Trong đó có hai bệnh nhân đang được thở máy, bệnh nhân còn lại tự thở được nhưng không thể tiên lượng được.
Điều ngặt nghèo là hai lọ thuốc giải độc cuối cùng được điều chuyển từ Quảng Nam đã được dùng để cứu ba anh em ruột bị ngộ độc tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vào ngày 16-5, tức là chưa có thuốc giải độc cho ba ca bệnh mới.
TS Lê Quốc Hùng, trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết hiện nay không có thuốc nào có thể thay thế được thuốc giải độc botulinum BAT đặc hiệu.
Những bệnh nhân ngộ độc này đang được điều trị hỗ trợ nuôi dưỡng và thở máy, điều trị theo triệu chứng. Thế nhưng, cách điều trị này không có được kết quả như mong muốn như khi có thuốc giải độc.
"Việc thở máy thời gian dài có thể dẫn đến việc bệnh nhân gặp nhiều biến chứng khác nhau như nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, suy dinh dưỡng, liệt hoàn toàn dẫn đến cắt mạch... Mặc dù hiện nay Bộ Y tế đã đưa ra phác đồ điều trị trong trường hợp có thuốc giải độc hoặc không, nhưng bác sĩ đối mặt với rất nhiều thách thức", TS Hùng cho hay.
Trong khi đó, nếu có thuốc giải độc BAT thì chỉ trong vòng 48 - 72 giờ là bệnh nhân thoát khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy. Còn nếu đã thở máy 1-2 ngày thì chỉ cần 5-7 ngày là bệnh nhân có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu sớm hồi phục, trở lại cuộc sống ngày thường.
Sau khi hai lọ thuốc giải độc cuối cùng được chuyển từ Quảng Nam vào cứu ba trẻ bị ngộ độc, ngày 17-5 Bệnh viện Chợ Rẫy đã khẩn cấp gửi công văn đến Bộ Y tế xin phép mua thêm thuốc BAT và đang chờ hướng dẫn.
Không chỉ riêng câu chuyện độc tố botulinum, không ít bệnh nhi đã phải tử vong do rắn cắn vì không có huyết thanh giải độc. Điển hình trường hợp bé 4 tuổi tại Phú Yên bị rắn cạp nia cắn nhưng không có huyết thanh kháng nọc rắn nên bé đã tử vong.
Số liệu thống kê từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy số lượng bệnh nhân bị ngộ độc do rắn cắn đang gia tăng theo thời gian, nếu như năm 2010 - 2011 ghi nhận dưới 300 ca thì năm 2018 - 2021 hơn 700 ca.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc, cũng cho biết nhiều loại thuốc hiếm như huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải ngộ độc clostridium botulinum, giải độc cho bệnh nhân ngộ độc asen, thủy ngân... đều rất hạn chế.
Phải có cơ chế mới cho thuốc hiếm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết ngay khi nhận được thông tin Bệnh viện Chợ Rẫy hết thuốc giải độc botulinum, cục đã hướng dẫn các thủ tục để nhanh chóng nhập thuốc cứu bệnh nhân. Do đây là loại thuốc rất hiếm, mỗi năm cả nước chỉ có vài ca bệnh nên các bệnh viện không dự trù đủ.
Theo tìm hiểu, hiện một số bệnh viện lớn vẫn mua thuốc hiếm dự phòng nhưng danh mục không thể đầy đủ theo nhu cầu bởi như ngộ độc botulinum, một lọ thuốc giải độc BAT đặc hiệu có giá thành lên đến 8.000 USD, nếu bệnh viện mua dự trữ nhưng thời gian dài chưa sử dụng thì lãng phí vì thuốc hết hạn.
Do vậy, đây vẫn chưa phải là cách làm lâu dài. Các bệnh viện đã kiến nghị phải có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia để điều phối thuốc cho tất cả địa phương khi cần.
Ông Nguyễn Tri Thức, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho rằng nước ta chưa có nơi lưu trữ thuốc hiếm tầm quốc gia. Cho đến nay việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc cần thuốc hiếm còn mang tính cá biệt.
Điển hình như các trường hợp ngộ độc botulinum do ăn cá muối ủ chua tại Quảng Nam vượt qua nguy kịch là may mắn khi Bệnh viện Chợ Rẫy đang có sẵn thuốc hiếm để giải độc cho bệnh nhân. Nếu thuốc không có sẵn phải mua thì không cứu kịp thời được người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết Bệnh viện Bạch Mai cũng đã đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm để điều trị kịp thời cho người bệnh. Mặc dù số lượng bệnh nhân điều trị rất ít, tuy nhiên nếu không có thuốc giải độc thì nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng là rất lớn.
Chấp nhận hủy bỏ nếu thuốc hết hạn?
Bộ Y tế cho hay trong nhiều năm qua bộ đã xây dựng và ban hành danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có và danh mục các thuốc này thường xuyên được điều chỉnh, nhằm giúp các cơ sở khám chữa bệnh có biện pháp chủ động trong việc đảm bảo đủ thuốc hiếm đáp ứng nhu cầu điều trị của cơ sở, cho phép chuyển nhượng thuốc hiếm giữa các cơ sở khám chữa bệnh...
"Bộ Y tế dự kiến đề xuất một số cơ chế đặc thù về tài chính như sẽ bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động dự trù các mặt hàng thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.
Đồng thời sẽ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.
Sẽ có những giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn", đại diện Bộ Y tế cho hay.
Đấu thầu tập trung thuốc hiếm để giảm giá thuốc
Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có thông báo kết luận tại cuộc họp về việc đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi thông tư số 15/2020 về danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc đàm phán giá để ban hành trong tháng 5.
Trong đó các loại thuốc phổ biến, có nhu cầu sử dụng lớn, thuốc hiếm phải đấu thầu tập trung cấp quốc gia để giảm giá thuốc; các loại biệt dược, thuốc chuyên khoa giao cho các địa phương, bệnh viện thực hiện.
0 comments:
Post a Comment